Ý nghĩa và sự độc đáo của Quốc kỳ Singapore

1. Lịch sử phát triển của Quốc kỳ Singapore

Singapore nằm dưới quyền cai trị của Anh Quốc trong thế kỷ 19, được hợp nhất vào Các khu định cư Eo biển cùng với Malacca và Penang. Hiệu kỳ được sử dụng nhằm đại diện cho Các khu định cư Eo biển là một Lam thuyền kỳ Anh Quốc có ba vương miện vàng đại diện cho ba khu định cư. Khu định cư Singapore không có hiệu kỳ riêng, song được ban cho một huy hiệu có nét một con sư tử vào năm 1911. Trong giai đoạn Nhật Bản chiếm đóng Singapore, quốc kỳ Nhật Bản được quân đội sử dụng trên bộ, và được sử dụng trong các sự kiện công cộng. Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Singapore trở thành một thuộc địa vương thất độc lập và thông qua hiệu kỳ riêng. Nó được sửa đổi từ hiệu kỳ Các khu định cư Eo biển bằng việc giảm số vương miện từ ba còn một.

Singapore được tự quản trong Đế quốc Anh vào ngày 3 tháng 6 năm 1959. Sáu tháng sau, trong khi thiết lập Yang di-Pertuan Negara (nguyên thủ quốc gia) mới vào ngày 3 tháng 12 năm 1959, quốc kỳ được chính thức thông qua cùng với quốc huy và quốc ca Majulah Singapura. Phó thủ tướng đương thời là Toh Chin Chye nói về việc thiết lập quốc kỳ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1989: “Mặc dù chỉ mới tự quản song chúng ta nhận thấy cần phải bắt đầu đoàn kết các chủng tộc như một dân tộc Singapore… Ngoại trừ quốc ca, chúng ta phải tạo ra quốc kỳ và quốc huy, chúng ta nhấn mạnh rằng đó là một quốc kỳ Singapore và cần phải được treo cạnh quốc kỳ Liên hiệp”.

quoc ky singapore 3

Thiết kế quốc kỳ được hoàn thành trong vòng hai tháng bởi một ủy ban do Toh Chin Chye đứng đầu. Ban đầu, ông muốn nền của quốc kỳ hoàn toàn là màu đỏ, song Nội các quyết định chống lại điều này do màu đỏ được xem là một điểm tập hợp của chủ nghĩa cộng sản.

Theo lời Thủ tướng Lý Quang Diệu lúc bấy giờ, dân cư người Hoa muốn có năm sao, và dân cư Hồi giáo muốn một trăng lưỡi liềm. Cả hai biểu tượng này được kết hợp để tạo nên quốc kỳ của Singapore.

Ngày 30 tháng 11 năm 1959, Sắc lệnh Quốc huy, Quốc kỳ và Quốc ca Singapore 1959 được thông qua nhằm quy định về việc sử dụng và trưng quốc huy và quốc kỳ và biểu diễn quốc ca. Khi trình bản kiến nghị lên Hội nghị lập pháp Singapore vào ngày 11 tháng 11 năm 1959, Bộ trưởng Văn hóa Sinnathamby Rajaratnam, nói rằng: “Quốc kỳ, quốc huy và quốc ca tượng trưng cho hy vọng và lý tưởng của mỗi người dân… Việc sở hữu một quốc kỳ và quốc huy đối với mỗi người dân là tượng trưng cho sự tự trọng.”

Trong tháng 9 năm 1962, nhân dân Singapore bỏ phiếu chấp thuận gia nhập Liên bang Malaysia. Quá trình chính thức được hoàn thành vào ngày 16 tháng 9 năm 1963, khi quốc kỳ Malaysia được Thủ tướng Lý Quang Diệu kéo lên tại Singapore. Nhưng phải chờ đến ngày 9/8/1965, khi chính thức tách ra khỏi Liên Bang Malaysia, Quốc kỳ Singapore mới được kéo lên trong giai điệu và tiếng hát của bài Majulah Singapore.

2. Đặc điểm và ý nghĩa của Quốc kỳ Singapore

quoc ky singapore 2

Quốc kỳ do hai hình chữ nhật bằng nhau nằm ngang song song màu đỏ và trắng hợp thành. Góc bên trái lá cờ có một vành trăng non lưỡi liềm màu trắng và 5 ngôi sao năm cánh màu trắng.

Màu đỏ trên lá cờ tượng trưng cho mối tình anh em giữa người với người, giữa các dân tộc trên thế giới, và sự bình đẳng của con người. Hay đứng trên lập trường của một nước đa dân tộc (gồm Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ,… ) nên có thể hiểu màu đỏ này theo nhiều mặt: sự can đảm và dũng cảm của những người Malaysia, sự may mắn của những người Trung Quốc.

Màu trắng là biểu tượng của sự trong sạch và tinh khôi vĩnh viễn, không dơ bẩn.

Trăng lưỡi liềm có nghĩa biểu trưng cho một quốc gia trẻ còn đang trên đường phát triển.

Năm ngôi sao nhỏ gần mặt trăng tượng trưng cho năm lý tưởng của quốc gia Singapore: dân chủ, sự bình đẳng, hòa bình, phát triển và công bằng.

Không giống như những quốc gia khác, quốc kỳ của họ đôi khi chỉ là một biểu tượng hoặc một đặc trưng của đất nước. Nhưng quốc kỳ của Singapore là cả một ý nghĩa to lớn ẩn chứa những điều sâu sa, bổ ích về tình đoàn kết giữa các dân tộc. Thông qua sự tìm hiểu của Quốc Kỳ Singapore, du khách hãy đăng ký tham gia tour du lịch Singapore để đến với đất nước nền văn hóa đa sắc tộc nhưng dung dị và hài hòa.